Các yếu tố tác động tiêu cực đến dạ dày

Nếu niêm mạc dạ dày bị tổn thương sẽ gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày. Do đó, ăn gì hại dạ dày là vấn đề bạn cần quan tâm để bảo vệ sức khỏe tổng quát.

  1. Tổng quan về dạ dày
    Dạ dày chứa đựng và tiêu hóa thức ăn. Về mặt cấu tạo, dạ dày có 4 lớp từ ngoài vào trong, đó là thanh mạc (hay còn gọi là phúc mạc), lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và cuối cùng là niêm mạc dạ dày (gồm các tuyến của dạ dày, thực hiện nhiệm vụ tiết dịch vị).

Khi thức ăn xuống dạ dày, dạ dày sẽ bài tiết dịch vị và thực hiện hai nhiệm vụ, đó là co bóp cho thức ăn ngấm dịch vị và sau đó chuyển hóa thức ăn. Axit dạ dày có trong dịch vị có tính axit cao, với độ pH từ 1-2, không chỉ có tác dụng tiêu hóa thức ăn mà còn ở mức tối ưu để hệ tiêu hóa hoạt động bình thường và bảo vệ cơ thể.

Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, độ pH dạ dày cũng thay đổi theo, dù cao hay thấp đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe vì gây ra một số bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, ung thư dạ dày, …

  1. Các yếu tố tác động tiêu cực đến niêm mạc dạ dày
    Thói quen ăn uống là nhân tố chính tác động trực tiếp đến sức khỏe của dạ dày. Khi không khỏe, dạ dày sẽ có các biểu hiện như đau âm ỉ, cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 2 – 3 giờ và có thể trở nặng hơn lúc về đêm. Ngoài ra, người bệnh còn sẽ thấy ăn không ngon miệng, hay bị đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn,… Vậy ăn gì hại dạ dày? Có đến 10 yếu tố có thể tác động tiêu cực đến dạ dày, bao gồm:

Ăn sai bữa, không đúng giờ giấc: Đây được xem là nguyên nhân gây đau dạ dày. Dạ dày có cơ chế làm việc, bài tiết dịch vị theo thời gian biểu trong một ngày để tiêu hóa thức ăn. Khi đến giờ mà dạ dày lại không có thức ăn để chuyển hóa, trong khi dịch vị đã được bài tiết thì lượng enzyme và axit dạ dày sẽ tự tiêu hóa, làm tổn thương đến chính niêm mạc dạ dày.
Ăn quá nhanh và quá nhiều: Khi ăn quá nhanh, thức ăn chưa được nghiền nát kỹ ở miệng và xuống đến dạ dày khiến các cơ và niêm mạc dạ dày phải làm việc nhiều hơn, lâu hơn để chuyển hóa thức ăn ở dạng thô. Bên cạnh đó, ăn quá nhiều, đặc biệt là vào bữa tối cũng khiến dạ dày bị quá tải, dịch vị phải bài tiết nhiều hơn để tiêu hóa thức ăn. Cả hai tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây ra bệnh viêm loét dạ dày.
Ăn uống không đảm bảo điều kiện vệ sinh: Trong điều kiện vệ sinh không được đảm bảo, việc tiêu thụ thức ăn sẽ cùng lúc đưa những vi khuẩn vào dạ dày và gây ra các vấn đề về đường ruột như đau dạ dày, nhiễm trùng đường ruột, viêm dạ dày, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, … Trong đó, vi khuẩn Helicobacter pylori thường gặp là nguyên nhân gây ra các bệnh lý dạ dày nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến niêm mạc dạ dày.
Ăn đồ cay, nóng, xơ cứng, chứa nhiều axit: Vị cay của ớt có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và gây bệnh viêm loét dạ dày nguy hiểm, nhất là đối với những người bị hội chứng đại tràng kích thích. Bên cạnh đó, thức ăn xơ cứng hoặc chứa nhiều axit khi vào dạ dày sẽ tiếp xúc với niêm mạc dạ dày, dạ dày phải co bóp, hoạt động nhiều hơn dễ dẫn đến tình trạng quá tải và bị tổn thương.
Thường xuyên sử dụng đồ uống chứa cồn: Ngoài enzym và dịch vị để tiêu hóa thức ăn, niêm mạc dạ dày còn bài tiết chất nhầy để bảo vệ dạ dày. Tuy nhiên, đồ uống chứa cồn lại có khả năng ức chế sự bài tiết này, đồng thời tiết ra nhiều axit làm hại niêm mạc dạ dày.
Thói quen uống nước khi ăn hoặc vừa ăn vừa làm việc khác: Uống nước cùng lúc khi ăn không tốt đối với sức khỏe vì ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm chậm quá trình tiêu hóa do đưa thức ăn và chất lỏng cùng lúc vào dạ dày. Bên cạnh đó, vừa ăn vừa làm việc, đặc biệt là thói quen vừa ăn vừa sử dụng điện thoại của giới trẻ hiện nay, sẽ làm giảm khả năng tập trung ăn uống, từ đó khiến cho việc bài tiết axit dạ dày bị ảnh hưởng. Như đã đề cập ở trên, dư thừa hoặc thiếu axit dạ dày đều sẽ tác động trực tiếp đến niêm mạc dạ dày và gây ra các bệnh lý dạ dày nghiêm trọng như viêm loét, đau dạ dày mãn tính nếu cứ tiếp diễn 2 thói quen này.
Cơ thể bị nhiễm lạnh: Cơ thể nhiễm lạnh sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến dạ dày. Bị lạnh vào mùa đông hoặc ăn thức ăn quá lạnh vào mùa hè cũng có thể gây hại đến chức năng dạ dày, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ăn không tiêu.
Cơ thể bị quá sức, mệt mỏi: Làm việc, lao động quá sức khiến cho sức khỏe thể chất và tinh thần mệt mỏi sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể nói chung, suy yếu chức năng của niêm mạc dạ dày nói riêng. Khi đó, tình trạng bài tiết dịch vị bị mất cân bằng, việc dư thừa hoặc thiếu axit dạ dày để chuyển hóa thức ăn có thể sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương và dẫn đến các bệnh lý dạ dày.
Tinh thần bị căng thẳng: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự có mối quan hệ chặt chẽ giữa tinh thần và các bệnh dạ dày. Thường xuyên lo lắng, căng thẳng, phiền muộn sẽ ảnh hưởng đến việc bài tiết dịch vị dạ dày, từ đó tác động trực tiếp đến tiêu hóa thức ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng viêm loét dạ dày.
Thói quen hút thuốc lá: Chất nicotin có trong thuốc lá có thể làm co thắt mạch máu niêm mạc dạ dày, từ đó làm giảm lượng máu cung cấp cho lớp niêm mạc này. Bên cạnh đó, chất nicotin cũng làm ức chế quá trình tổng hợp các chất bảo vệ và phục hồi niêm mạc dạ dày, chức năng làm rỗng sau khi dạ dày tiêu hóa thức ăn, đồng thời cũng thúc đẩy quá trình bài tiết dịch vị làm mòn niêm mạc dạ dày. Vì vậy, hút thuốc lá là thói quen nguy hại đối với dạ dày.
Sử dụng thuốc quá liều lượng trong thời gian dài: Có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị một số bệnh lý có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày như thuốc chống viêm không chứa steroid (aspirin, ibuprofen, phenylbutazon,…) vì làm ức chế quá trình tổng hợp chất prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc nội tiết chứa corticosteroid có thể làm viêm loét dạ dày, thủng dạ dày. Vì vậy, tránh tự ý mua thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc lạm dụng thuốc, sử dụng quá liều trong thời gian dài. Để bảo vệ dạ dày, người bệnh cần uống thêm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc và lưu ý uống thuốc sau khi ăn.
niêm mạc dạ dày
Dư thừa hoặc thiếu axit dạ dày đều sẽ tác động trực tiếp đến niêm mạc dạ dày
Để bảo vệ dạ dày, bạn cần lưu ý thói quen ăn uống và tránh một số thói quen ảnh hưởng đến dạ dày như uống rượu bia, hút thuốc,… Ngay khi nhận thấy dạ dày không khỏe, cần thăm khám bác sĩ sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời.